Sau thời gian nghiên cứu, Cục Bảo vệ thực vật, Viện lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế vừa phát động chương trình thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa xuất khẩu trên toàn tỉnh Cần Thơ và sẽ mở rộng diện tích trong những năm sau.
Kết quả thí điểm cho thấy, nếu áp dụng nghiêm ngặt 8 bước của quy trình này thì sẽ tiết kiệm chi phí vật tư từ 1 – 1,5 triệu đồng/ha, tăng năng suất 400 – 600 kg/ha và hạ giá thành sản phẩm khoảng 150 – 200 đồng/kg.
Bước 1: Chọn giống lúa xác nhận, có chất lượng tốt và thích hợp cho xuất khẩu như IR64, ST1, ST3,…
Bước 2: Chuẩn bị đất kỹ và san ruộng bằng phẳng.
Bước 3: Hạn chế mật độ sạ bằng cách áp dụng máy sạ hàng, mỗi hecta chỉ cần dùng từ 75 – 100 kg giống là đủ, cách sạ lan theo tập quán phải mất từ 200 – 300 kg giống/ha.
Bước 4: Điều tiết nước hợp lý, giữ nước trong ruộng với độ sâu 5 cm.
Bước 5: Dựa vào bảng so máu lá để bón phân cân đối. Bảng có 6 khung màu từ xanh vàng nhạt đến màu xanh đậm. Luôn giữ cho lúa có màu ở khung số 4 là tốt nhất, lúa có màu ở khung số 5, 6 là thừa đạm, ở khung số 1,2 vả 3 là thiếu đạm.
Bước 6: áp dụng quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học, đặc biệt là loại thuốc có độc tính cao.
Bước 7: Thu hoạch đúng độ chín khi hạt đã chắc đầy, không nên thu hoạch sớm hoặc trễ quá.
Bước 8: Phơi sấy bằng máy sấy hạt để đảm bảo chất lượng giống tốt hơn và tỷ lệ gạo gãy thấp.